Năng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong HSSV  
Cập nhật: 19/04/2021
Lượt xem: 2999
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC,

LỐI SỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN TRONG NHÀ TRƯỜNG

          Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã xác định học sinh sinh viên"chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo". Những phẩm chất cần có của người học mà Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ phải tập trung để hướng tới, gồm việc giáo dục, bồi dưỡng, quản lý, rèn luyện và hỗ trợ người học để đạt tới những giá trị cơ bản như: Tư tưởng, đạo đức, truyền thống, lối sống, văn hoá; những kỹ năng cốt lõi để người học có khả năng linh hoạt, thích nghi với thị trường lao động; có tinh thần chủ động tự tạo việc làm, khởi nghiệp và tuyển dụng; có sức khoẻ thể chất, tinh thần tích cực và phẩm chất công dân toàn cầu.

Có thể nói, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh, sinh viên trong nhà trường hiện nay là một việc làm vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài, với mục đích là giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên trở thành những công dân vừa có đức, vừa có tài, để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội trong thời kỳ hội nhập. Để nâng cao công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, nhà trường tiếp tục triển khai có hiệu quả cao một số biện pháp như sau:

Thứ nhất, ngoài việc dạy kiến thức, nhà trường cần phát động các phong trào thi đua người tốt, việc tốt, tổ chức các đợt thi đua trong trường, trong lớp theo các chủ đề có ý nghĩa giáo dục tích cực để thu hút các em học sinh, sinh viên tự giác tham gia. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu các truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc... nhằm giáo dục cho học sinh, sinh viên gìn giữ, phát huy những nét đẹp của dân tộc mình, bồi đắp cho các em tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Thực hiện phối hợp nhiều hình thức khác nhau như:

- Tổ chức sinh hoạt chào cờ, hát quốc ca vào thứ 2 tuần đầu của mỗi tháng.

- Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị trong học sinh, sinh viên gắn với các dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước.

- Tổ chức thực hiện có nền nếp hoạt động lao động, vệ sinh lớp học, xưởng thực hành. Giữ gìn nhà trường xanh, sạch, đẹp.

- Tổ chức các hoạt động giúp sinh viên hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa các vùng miền, dân tộc, tuyên truyền thông tin về biên giới, chủ quyền, vv…

- Tổ chức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua sinh hoạt chuyên đề hàng tháng.

- Tổ chức các hoạt động giới thiệu, quán triệt Nghị quyết của Đảng đến học sinh, sinh viên. Tạo môi trường để học sinh, sinh viên rèn luyện, phấn đấu trở thành Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thứ hai, khuyến khích mỗi cá nhân học sinh, sinh viên phải nỗ lực tự rèn luyện, tự đào tạo, tự phấn đấu tu dưỡng về đạo đức, lối sống văn minh, tiếp cận với văn minh nhân loại, để không lạc hậu với xu hướng tiến bộ của thế giới. Cụ thể như sau:

- Tổ chức giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên thông qua các cuộc thi, diễn đàn, ngày hội.

- Tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, luật môi trường, ý thức bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên…

- Tổ chức các hoạt động giáo dục tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia, trách nhiệm với cộng đồng trong sinh viên như: chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, chương trình Tiếp sức mùa thi, chiến dịch Xuân tình nguyện, hiến máu tình nguyện, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

- Tăng cường giáo dục thông qua tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu, xây dựng những điển hình trong học sinh, sinh viên về học tập, nghiên cứu khoa học. Kịp thời biểu dương, khen ngợi các sinh viên có hành động đẹp, có hình thức giới thiệu trên bảng tin, hoặc trên website của nhà trường, trong các đợt sinh hoạt tập trung đông học sinh, sinh viên, vv…

- Tổ chức các sân chơi văn hóa, thể dục thể thao lành mạnh. Trang bị kỹ năng thực hành xã hội cho học sinh, sinh viên. Thường xuyên đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong học sinh, sinh viên.

- Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh, sinh viên qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội.

Thứ ba, kết hợp tuyên truyền tại địa phương, nơi học sinh, sinh viên cư trú về  truyền thống văn hóa của người Việt Nam nói chung, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vùng miền là coi trọng gia đình, làng xóm.

- Tại nhà trường: Triển khai sâu, rộng cuộc vận động “Học sinh, sinh viên xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, lành mạnh”, các hoạt động về xây dựng “Văn hóa học đường”. Đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, vv…

- Tại kí túc xá: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền “Phòng ở văn minh, lịch sự”, xây dựng văn hóa kí túc xá, tổ chức liên hoan văn nghệ theo chủ đề, tăng cường hoạt động tuyên truyền trên loa phát thanh của kí túc xá vào thời gian hợp lý.

- Tại địa phương, duy trì sự phối hợp giữa Phòng Công tác học sinh, sinh viên với các cấp chính quyền, đoàn thể và có sự thông tin, liên lạc với gia đình học sinh, sinh viên nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Thứ tư, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống nhằm góp phần hướng đến hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên theo giá trị "Chân - Thiện - Mỹ"./.