Giới thiệu chung  
Cập nhật: 17/03/2020
Lượt xem: 50466

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Giấy Vĩnh Phú, ra đời với mục đích đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật phục vụ cho Nhà máy Bột và Giấy Vĩnh Phú (sau này là Nhà máy Giấy Bãi Bằng). Giai đoạn 1975-1985, trường nằm trong nhà máy và thực hiện nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ cho giai đoạn xây dựng, lắp đặt thiết bị và chuẩn bị sản xuất. Nhiều cán bộ, giáo viên (CBGV) đã được cử đi thực tập tay nghề tại các nước Thụy Điển, Đức, Italia... Ngày 26/11/1982, Nhà máy Giấy Bãi Bằng - công trình hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển chính thức khánh thành, đi vào sản xuất đã mở ra một trang mới trong lịch sử ngành công nghiệp giấy Việt Nam. Vinh dự và tự hào, đội ngũ công nhân kỹ thuật do nhà trường đào tạo đã trở thành lực lượng nòng cốt vận hành các phân xưởng của nhà máy.

Trên cơ sở Hiệp định thỏa thuận xây dựng trường dạy nghề cho Nhà máy Bột và Giấy Vĩnh Phú ngày 5/5/1982 giữa Chính phủ Việt Nam và Thụy Điển, Trường Công nhân kỹ thuật Giấy Vĩnh Phú được khánh thành vào ngày 4/10/1986 với đầy đủ lớp học, nhà xưởng, phòng thí nghiệm và các trang thiết bị đào tạo hiện đại, trực thuộc Công ty Giấy Bãi Bằng.

Năm 1993, để tận dụng năng lực đào tạo của nhà trường với mục đích vừa đào tạo nhân lực phục vụ cho Công ty Giấy Bãi Bằng, vừa đào tạo nhân lực cho ngành Giấy và cho xã hội, trường được chuyển về trực thuộc Bộ Công nghiệp. Năm 1996, trường được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam quản lý với tên gọi là Trường Đào tạo nghề Giấy và tháng 5/2005, Bộ Công nghiệp có quyết định thành lập Trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp Giấy trên cơ sở Trường Đào tạo nghề Giấy. Tháng 1/2007, trường đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Giấy và Cơ điện ngay trong đợt đầu, sau khi Luật Dạy nghề được Quốc hội thông qua. Thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam, tháng 7/2013 trường chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương. Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, tháng 4/2017 Trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ.

Trải qua 42 năm hoạt động, trường đã đào tạo được hơn 14.000 công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên trung cấp, cao đẳng và 40.000 công nhân hệ sơ cấp, ngắn hạn các ngành nghề: Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy; Kiểm nghiệm bột giấy và giấy; Điện công nghiệp; Tự động hóa; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Hàn; Cắt gọt kim loại; Sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí; Công nghệ ôtô; Vận hành lò hơi và máy phát điện; Vận hành xe nâng hàng; Kế toán doanh nghiệp; Tin học văn phòng... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt trên 98%, trong đó khá giỏi chiếm 30-40%. Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm ổn định, nhiều người đã trưởng thành ở các cương vị lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp lớn hoặc ở các vị trí điều hành, cán bộ kỹ thuật trong các dây chuyền sản xuất và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có được những kết quả trên là nhờ nhà trường luôn coi trọng công tác đào tạo CBGV; tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo. Giai đoạn 1978-1987, nhà trường liên tục có chuyên gia, cố vấn Thụy Điển chuyển giao kiến thức về phương pháp sư phạm, chuyên môn, quản lý theo phương pháp tiên tiến. Nhiều CBGV được đào tạo tại Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc... Hàng năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp học cập nhật kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, tham quan học tập tại các cơ sở sản xuất và các trường bạn; Nhà trường thường xuyên tổ chức cho giáo viên tham gia Hội giảng, Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm các cấp và đạt được nhiều giải cao. CBGV nhà trường có trình độ ngoại ngữ, tin học tốt, đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, tay nghề và nghiệp vụ sư phạm. Hiện tại, số giáo viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm trên 40%. Cùng với công tác đào tạo, CBGV của trường rất tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài cấp trường, cấp bộ, cấp tỉnh được đánh giá xuất sắc, mang tính thực tiễn cao. Các đề tài đã bổ sung thêm trang thiết bị đào tạo các ngành nghề, đồng thời tăng cường cập nhật kiến thức khoa học công nghệ mới và nâng cao kiến thức chuyên sâu cho CBGV. Bên cạnh đó, nhà trường luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy.

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ là một trong các trường trọng điểm được nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí “Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo” giai đoạn 2001-2005, giai đoạn 2006-2010. Trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công Thương phê duyệt đào tạo 2 nghề trọng điểm quốc gia: Nghề Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy; nghề Điện công nghiệp và được đầu tư tập trung từ nguồn kinh phí “Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề” giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020. Nhà trường đã sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí Nhà nước cấp, kinh phí hỗ trợ của Tổng công ty Giấy Việt Nam, kinh phí tự có của trường vào việc đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo và nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; phát triển chương trình, giáo trình đào tạo.

Trong 42 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng cục Dạy nghề, được sự tạo điều kiện về mọi mặt của các bộ, ngành trung ương, tỉnh Phú Thọ, huyện Phù Ninh, với nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhiều tập thể và cá nhân đã được các bộ, ngành, tỉnh Phú Thọ, Tổng công ty Giấy Việt Nam và các cấp ủy Đảng, đoàn thể tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương, Kỷ niệm chương, Cờ Thi đua, Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu Nhà giáo Ưu tú...

Phát huy truyền thống 42 năm xây dựng và trưởng thành, trong những năm tiếp theo, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh sinh viên nhà trường quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (đội ngũ CBGV; cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo) theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín của ngành Công Thương trên quê hương đất Tổ.


                                                                                                      Hiệu trưởng: ThS. Nguyễn Đăng Toàn