Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn tăng  
Cập nhật: 31/03/2021
Lượt xem: 3798

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn tăng

Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và một số đơn vị tuyển dụng trực tuyến, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều ngành nghề bị tác động dẫn đến lao động bị cắt giảm nhưng một số ngành liên quan đến công nghệ thông tin (CNTT) vẫn tăng nhu cầu tuyển dụng như thương mại điện tử, ngân hàng số, giáo dục trực tuyến, bảo hiểm....

Thiếu hụt nhân lực chất lượng

Theo báo cáo VietnamWorks, trang tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp, trong 10 năm (từ năm 2010 đến nay) nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, trong đó, 7 nhóm ngành thuộc lĩnh vực CNTT có như cầu tuyển dụng phổ biến gồm: Phát triển phần mềm; Hỗ trợ kỹ thuật; Quản lý dự án/Sản phẩm; Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX) và Giao diện (UI); Kỹ sư kiểm định chất lượng sản phẩm QA/QC; Khoa học dữ liệu.

Đối với nhóm ngành phát triển phần mềm luôn đạt mức tăng trưởng gần gấp đôi, chiếm hơn 50% nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Đây cũng là nhóm ngành có nguồn nhân lực trí tuệ chất lượng cao, gồm tập hợp các kỹ sư về giải pháp phần mềm quản lý đa chức năng (Mobile, Web, ERP), kỹ năng lập trình ngôn ngữ (JAVA, PHP, NET).

Mức thu nhập cũng tăng tỷ lệ thuận với công sức, chất xám, trí tuệ bỏ ra. Thống kê 10 năm qua cho thấy mức lương ở mỗi vị trí việc làm đối với các kỹ sư công nghệ luôn tăng cao. Nhất là 5 năm gần đây, khi nhu cầu thị trường công nghệ ngày càng phát triển, các công ty, doanh nghiệp luôn cần các ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống quản lý, sản xuất kinh doanh, thì ngành CNTT thực sự trở thành ngành "hot". Điều này thể hiện qua mức lương: kỹ sư lập trình vạn vật kết nối" (IoT Developer) 1,800 USD/tháng, kỹ sư lập trình trí tuệ nhân tạo 1.958 USD/tháng, kỹ sư lập trình công nghệ chuỗi khối (blockchain developer) 2.033 USD/tháng….

Cũng theo thống kê từ TopDev, chuyên trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, CNTT luôn là một trong số những nghề phát triển nhất trong 10 năm tới. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực CNTT tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Cụ thể, năm 2019, số lượng nhân lực CNTT cần có là 350.000 người, nhưng thiếu khoảng 90.000 người. Năm 2020, số nhân lực ngành CNTT cần có ước tính khoảng 400.000 người và ước tính thiếu hụt 100.000 nhân sự và năm 2021 cần 500.000 người và thiếu hút 190.000 người.

Đại diện VietnamWorks chia sẻ: “Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT đã tăng tới 3,8 lần, riêng ngành công nghệ phần mềm là 4,1 lần. Tuy nhiên, nhân lực ngành CNTT vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc tìm được công việc do thiếu những kỹ năng và công việc thực tế tại doanh nghiệp”.

Trong khi ngành CNTT thiếu về số lượng thì chất lượng cũng chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Việt Nam hiện có khoảng 50 trường đào tạo ngành CNTT. Hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên CNTT ra trường nhưng chỉ có khoảng 30% lao động là có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại cần phải được đào tạo bổ sung, đào tạo lại.

Mở rộng đào tạo với doanh nghiệp

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam như Bkav, beGroup, CMC Global… vẫn lập kế hoạch tuyển dụng thêm nhiều nhân sự .

Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Navigos Group, giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp CNTT nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng, đào tạo lại vì nguồn cung lao động dồi dào hơn và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh. Nếu doanh nghiệp chọn cách tạm hoãn các hoạt động tuyển dụng, thì có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài khi nhu cầu bùng nổ trở lại.

Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghệ thông tin đang thúc đẩy việc đào tạo nhân lực CNTT dài hạn. Đơn cử như để phát hiện, bồi dưỡng và đồng hành cùng các tài năng lập trình trẻ trên toàn quốc, FPT Software thành lập FSoft Computer Talents Club, hỗ trợ 100% chi phí học tập trực tuyến cho 50 học viên khóa đầu tiên. Chương trình đào tạo của FSoft Computer Talents Club (FCT Club) được xây dựng bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục công nghệ, hệ thống kiến thức phù hợp, tập trung vào việc giúp học viênhọc và thực hành các nền tảng lập trình, trau dồi khả năng ngoại ngữ...

Để giải bài toán khát nhân lực CNTT chất lượng cao gắn với thực tế của doanh nghiệp, FPT Software mở học viện đào tạo nhân lực CNTT với mục tiêu cung cấp 2.500 nhân sự đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực trong giai đoạn 2020 - 2021. Ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Học viện FPT Software Academy chia sẻ, 100% học viên sau khi tốt nghiệp sẽ được nhận làm việc trực tiếp tại các dự án phần mềm toàn cầu của FPT Software. Với chương trình học kéo dài 3 – 6 tháng, học viên sẽ tiếp thu kiến thức, kỹ năng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong tuyển dụng tại các công ty IT hiện nay. Học viện thiết kế chương trình học phù hợp với từng đối tượng cụ thể, từ nhóm sinh viên được đào tạo từ các trường công nghệ thông tin cho đến sinh viên đang học chuyên ngành khác, hoặc các nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực khác muốn chuyển nghề…, nhằm mở rộng cơ hội đến với ngành công nghệ thông tin cho những cá nhân thật sự quyết tâm theo đuổi.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng tăng cường tổ chức các buổi giới thiệu chương trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp tới các hội viên. Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: Lĩnh vực CNTT có tiềm năng phát triển mạnh mẽ sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Hiệp hội phối hợp với CLB startup về CNTT tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn để hỗ trợ về nhân lực cho ứng dụng và triển khai CNTT tại doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Quan sát nhu cầu tuyển dụng trên sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên quan đến công nghệ như Samsung, LG… đăng ký tuyển nhiều kỹ sư công nghệ thông tin cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp giữ nhân sự và đào tạo lại để hồi phục khi dịch COVID-19 dân được khống chế.

- Nguyễn Xuân Điệp -