HỢP TÁC DOANH NGHIỆP NĂM 2025  
Cập nhật: 04/04/2025
Lượt xem: 94

HỢP TÁC NHÀ TRƯỜNG VÀ DOANH NGHIỆP

TRONG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỜI KỲ HỘI NHẬP

ThS. Nguyễn Đăng Toàn - Hiệu trưởng Trường CĐCT Phú Thọ
 

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ là đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương. Là trường trọng điểm được Nhà nước đầu tư tập trung từ nguồn kinh phí “Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo”. Trong những năm qua, Trường luôn nhận được sự chỉ đạo của các Bộ ngành Trung ương, Chính quyền địa phương, sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhà trường tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của địa phương, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn; góp phần cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn ở địa phương, vốn là một nhiệm vụ chính trị to lớn hiện nay.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu có tính tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ về nhân lực trên thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới.


Năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,09%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.​ Việt nam đã tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với nhiều khu vực kinh tế của thế giới, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chắc chắn nguồn lực tài chính, công nghệ mới và năng lực quản lý tiên tiến sẽ đổ mạnh vào Việt Nam. Tất cả những yếu tố này đặt ra những nhu cầu về nguồn lực lao động có tay nghề trình độ cao để đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại và hội nhập.

Thực trạng là hiện nay nhân lực tại một số Doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn có nhiều hạn chế về chất lượng. Lực lượng lao động trong doanh nghiệp tại các khu vực công nghiệp địa phương, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình phần lớn không được đào tạo một cách bài bản, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, chỉ có khả năng vận hành các loại thiết bị đơn giản. Tình trạng này đã và đang hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động thấp, thực trạng này đang là rào cản lớn với các doanh nghiệp trên con đường phát triển và hội nhập.

Đối với doanh nghiệp, nhân lực là nguồn lực quan trọng trong việc quyết định sự phát triển, là lợi thế trong cạnh tranh, là nhân tố quan trọng tạo ra giá trị mới, tạo thêm của cải vật chất và duy trì sự phát triển bền vững. Không có nguồn nhân lực tốt, các nguồn lực khác như vốn, công nghệ, hay tài nguyên sẽ khó thể phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn luôn phải tìm các giải pháp hiệu quả để liên tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân viên trong doanh nghiệp cần được đào tạo về kiến thức chuyên môn và các kỹ năng mềm mỗi ngày, họ luôn cần được tham gia các buổi đào tạo liên tục để ứng dụng kiến thức và kỹ năng mới vào công việc. 


Doanh nghiệp cần khuyến khích nhân viên nâng trình độ bằng cách tự tìm hỏi, học tập qua các khóa học online hoặc chính những nhân sự kỳ cựu của mình. Khi thị trường lao động biến đổi sẽ thúc đẩy người lao động phải liên tục được cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi số, văn hóa Doanh nghiệp để thích ứng với công nghệ mới, phương thức quản lý mới.

Với bề dày truyền thống và kinh nghiệm 50 năm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ đang đào tạo 34 nghề trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế. Ngoài ra, lĩnh vực Huấn luyện an toàn lao động - Vệ sinh lao động cho doanh nghiệp cũng là thế mạnh của nhà trường.

  Trong những năm qua, Trường đã triển khai xây dựng môi trường học tập và làm việc thân thiện, nhân văn; áp dụng công nghệ tiên tiến trong dạy học. Trong công tác quản lý, nhà trường đã và đang áp dụng Quản lý theo chu trình PDCA, duy trì thường xuyên chương trình 5S, đào tạo theo mô hình KOSEN (Nhật bản), cải tiến hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HSSV, xây dựng hệ thống các quy trình làm việc theo tiêu chuẩn ISO, thực hiện xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.


Nửa thế kỷ qua, Trường đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động trên 18.000 kỹ thuật viên, trên 50.000 lượt học viên các lớp học ngắn hạn cho hàng trăm doanh nghiệp trên cả nước. Phần lớn học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều tạo dựng được cuộc sống ổn định và nhiều em đã trưởng thành ở các cương vị lãnh đạo hoặc giữ vị trí điều hành quan trọng trong dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp.

Ban lãnh đạo nhà trường xác định phát triển hợp tác, liên kết với doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và tăng tỉ lệ HSSV tốt nghiệp có việc làm. HSSV nhà trường đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ học bổng, hướng dẫn thực tập, kỹ năng thực tế, bố trí việc làm, truyền cảm hứng giúp HSSV thêm yêu nghề. Năm học 2023-2024 vừa qua, nhà trường đào tạo, đào tạo lại, huấn luyện cho 7.450 lượt người của hơn 60 doanh nghiệp trên cả nước.


Trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhà trường xem doanh nghiệp thực sự là “cánh tay nối dài” trong hoạt động đào tạo; cùng với các doanh nghiệp xem nhau như các bạn hàng, thiết lập các hoạt động hợp tác dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, cùng hợp tác để cùng tồn tại và phát triển;

Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ luôn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp để liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ của mình. Nhà trường cam kết không ngừng nỗ lực phấn đấu, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn nữa nhu cầu của Doanh nghiệp