Tổng công ty Giấy Việt Nam sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế lớn  
Cập nhật: 07/07/2017
Lượt xem: 4114
Đã từ lâu khách hàng trong nước trên thế giới đã quen biết với thương hiệu Giấy Bãi bằng của một nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, một doanh nghiệp hàng năm luôn có sản phẩm được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, danh hiệu “Quả cầu Vàng”, “ Sao vàng đất việt”,…

Đã từ lâu khách hàng trong nước trên thế giới đã quen biết với thương hiệu Giấy Bãi bằng của một nhà máy hiện đại nhất Đông Nam Á, một doanh nghiệp hàng năm luôn có sản phẩm được bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, danh hiệu “Quả cầu Vàng”, “ Sao vàng đất việt”,…

Hiện nay Tổng công ty giấy Việt Nam(Giấy Bãi bằng trước đây) vẫn là đơn vị dẫn đầu ngành giấy về qui mô, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Do đó, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới là khó khăn và thử thách của nhiều doanh nghiệp trong ngành giấy thì đối vơi Giấy Bãi Bằng là cơ hội để thử sức, để tiến hành đổi mới trên nhiều phương diện và nắm bắt được nhiều cơ hội mới.

Giấy Bãi Bằng đã trưởng thành, từ một công trình được xây dựng và lắp đặt của tình hữu nghị Việt Nam -  Thụy Điển đến nay đã được gần 24 năm, lại nằm ở trung tâm “vựa” nguyên liệu phía Bắc, giữa một vùng nguyên liệu xơ sợi thực vật có trữ lượng khá dồi dào, nằm giữa 3 con sông lớn: sông Đà, sông Hồng, sông Lô là nguồn cung cấp nước phục vụ cho hoạt động sản xuất và giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; cả nhà máy là một hệ thống khép kín từ nhà máy giấy đến các nhà máy vệ tinh phục vụ cho hoạt động sản xuất: nhà máy điện, nhà máy sản xuất bột giấy, nhà máy sản xuất hóa chất, nhà máy cơ khí chế tạo phụ tùng thiết bị, xí nghiệp vận tải,…Thậm chí, trường Trung học kỹ thuật giấy chuyên đào tạo tay nghề cho công nhân vận hành các nghề kỹ thuật liên quan tới ngành giấy cũng được thành lập ở đây từ nhu cầu của nhà máy.

Với năng lực hiện có và tiềm năng lớn về nguyên liệu, mặt bằng, máy móc thiết bị… Công ty giấy Bãi bằng (trước đây) là một địa chỉ ưu tiên mà Tổng công ty giấy lựa chọn để đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Năm 2003, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng, trong đó hơn 200 tỷ dành cho đầu tư hệ thống xử lý môi trường, đảm bảo các chất thải đựơc xử lý theo quy trình hiện đại, đưa năng lực sản xuất bột giấy lên 68.000 tấn/ năm và năng lực sản xuất giấy lên 100.000 tấn/ năm với chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Năm 2004, việc đầu tư mở rộng giai đoạn 1 hoàn thành. Và ngay trong năm đó, Công ty đã sản xuất được hơn 85.000 tấn giấy, vượt 4% so với kế hoạch với doanh thu 858 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được hơn 4 tỷ. Có thể nói năm 2004 là năm bản lề để Công ty giấy Bãi Bằng làm tiền đề bứt phá.

Năm 2005, sản lượng giấy đạt trên 92.000 tấn, bằng 92% công suất thiết kế và đạt 100% kế hoạch cả năm. Lượng giấy tiêu thụ hơn 98.000, tăng 40% so với năm 2004. Đáng chú ý là ngoài nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, Bãi Bằng còn xuất khẩu 100.000 tấn giấy thành phẩm sang các thị trường Malayxia, Inđônêxia,  Iran, Philippin với tổng kim ngạch 20 triệu USD, đưa tổng doanh thu cả năm 2005 của Công ty đạt trên 1.500 tỷ, nộp ngân sách 60 tỷ và lợi nhuận 20 tỷ đồng. đây là năm thứ 2 liên tiếp kể từ sau khi đầu tư, Giấy Bãi Bằng đã phát huy tối đa hiệu quả sản xuất.

9 tháng đầu năm 2006, Công ty mẹ (Tổng công ty giấy Việt Nam) đạt doanh thu 1.280 tỷ đồng, lợi nhuận 18 tỷ đồng, nộp ngân sách 66 tỷ đồng, trong đó riêng Giấy Bãi Bằng đã sản xuất được 72.850 tấn giấy (đạt 73% kế hoạch năm), đạt doanh thu 863 tỷ, lợi nhuận đạt 28 tỷ, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 2.5 triệu đồng/ người/ tháng.

Đây là đỉnh cao của quá trình hơn 20 năm đi vào hoạt động của giấy Bãi Bằng. Và cũng từ đây trong tiến trình tiếp tục đổi mơi, sắp xếp, phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, Giấy Bãi Bằng lại tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả một Đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới để vượt qua.

Ông Võ Sỹ Dởng, Tổng giám đốc Tổng công ty giấy Việt Nam cho biết: Đầu tư vào ngành giấy là rất khó khăn vì suất đầu tư quá lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, có nhiều khả năng rủi ro trong cạnh tranh, nguyên liệu đầu vào có chu kỳ sinh trưởng dài; mặt khác quá trình sản xuất giấy có tác động trực tiếp đến môi trường là vấn đề rất nhạy cảm hiện nay. Do vậy những năm qua, hầu như các nhà đầu tư nước ngoài chưa dám đầu tư vào ngành giấy ở Việt Nam. Nhiều dự án đầu tư sản xuất trong nước cũng phải dừng hoặc hủy bỏ do thiếu vốn. Trong điều kiện ấy, tổng công ty giấy Việt Nam luôn kiên trì hướng tới mục tiên xây dưng khu công nghiệp giấy  Bãi Bằng phát triển bền vững và hiệu quả.

Cũng theo ông Võ Sỹ Dởng, kết hợp vay vốn trong nước với tín dụng nước ngoài, sau khi kết thúc giai đoạn I, Giấy Bãi Bằng tiếp tục đầu tư lắp đặt và vận hành nồi nấu bột giấy hàng năm từ 10.000 – 15.000 tấn, đưa dây chuyền điện phân ở Nhà máy hóa chất đi vào hoạt động để tăng sản lượng clo và xút, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đầu tư dây chuyền giấy tráng phấn với sản lượng 25.000 tấn/ năm để đưa thị trường sản phẩm mới là giấy cóuche mà hiện nay trong nước vẫn đang phải nhập một lượng khá lớn. Tại nhà máy giấy tissue Sông Đuống (nhà máy thành viên của Tổng công ty giấy Việt Nam) đã đầu tư dây chuyền khử mực với công suất 20.000 tấn/năm để tận thu các loại giấy phế liệu đưa vào tái chế. Để đáp ứng nhu cầu giấy in, viết cho thị trường trong nước và nhu cầu xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Công ty chủ trương tiếp tục đầu tư trên 130 tỷ để có thể nâng công suất 2 máy xeo của Công ty lên 140.000 tấn/năm vào năm 2007. Về vấn đề nguyên liệu, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện chương trình liên kết với huyện Phù Ninh trồng cây nguyên liệu giấy (Hiện nay, theo chương trình liên kết này đã có 370.5 ha rừng nguyên liệu được trồng mới và chăm sóc tại huyện Phù Ninh), Tổng công ty sẽ tiến hành tổ chức hội nghị khách hàng cung cấp nguyên liệu để lắng nghe ý kiến và tìm ra các biện pháp thúc đẩy việc cung cấp ổn định nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và mở rộng liên kết với các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ… để xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn bị cho đầu tư mở rộng giai đoạn 2 của Tổng công ty, với diện tích từ 150.000 – 160.000 ha.

Tại Đại hội Đảng bộ công ty giấy Bãi Bằng giữa nhiệm kỳ 2003 – 2008 đã xác định phương hướng phát triển của doanh nghiệp là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị truờng xuất khẩu, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công nghiệp, đơn vị đã chuyển sang hoạt động theo mô hình “công ty mẹ, công ty con”, mà cái đích hướng tới là tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Tại diễn đàn Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vừa qua, ông Võ Sỹ Dởng trong tham luận của mình đã cho biết, lộ trình triển khai thực hiện dự án đầu tư giai đoạn II để đạt sản lượng 250.000 tấn bột giấy/năm với tổng số vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, gần 7.500 tỷ đồng; trong đó vốn cho xây lắp và thiết bị là 5.000 tỷ, vốn cho qui hoạch và phát triển vùng nguyên liệu là 2.500 tỷ (160.000 ha). Toàn bộ số vốn trên đây đã được các ngân hàng nước ngoài cam kết cho vay. Trong đó, riêng tỉnh Phú Thọ sẽ đầu tư phát triển trên 60.000 ha, còn lại là các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Phúc. Dự kiến, năm 2010 dự án mở rộng giai đoạn 2 sẽ triển khai xong và khi đi vào họat động thì giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty mẽ sẽ nâng lên nhiều lần so với hiện nay, ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với ngành sản xuất giấy, cũng như công nghệ và thiết bị, vần đề có tính sống còn là nguyên liệu. Để đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất ổn định, mỗi năm Công ty cần 1.5 triệu tấn nguyên liệu. Những năm qua, Tổng công ty giấy đã và đang phối hợp cùng các tỉnh phía tây bắc liên kết phát triển vùng cây nguyên liệu giấy với tổng diện tích 160 nghìn ha (trong đó riêng Phú Thọ 60 nghìn ha). Trứơc mắt, để giúp người trồng nguyên liệu giấy tiêu thụ sản phẩm và đưa giống mới vào sản xuất, Công ty đã đầu tư xây dựng Xí nghiệp chế biến dăm mảnh tại cảng Cái Lân -  Quảng Ninh, hàng năm đảm bảo xuất khẩu từ 150.000 – 200.000 tấn dăm mảnh. Với biện pháp này, người trồng nguyên liệu giấy có thêm “đầu ra” cho sản phẩm và có lãi; hàng triệu nông dân các tỉnh miền núi phía Bắc có cơ hội xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ nghề trồng nguyên liệu để tiếp tục trồng rừng, bảo vệ môi trường.

Rõ ràng trong một tương lai gần, Tổng công ty giấy sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề liên quan tới mở rộng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, trong đó có cả những vần đề rất nóng hổi là việc phát triển và mở rộng trồng cây nguyên liệu giấy cho các tỉnh. Phía Bắc. Cũng có thể đến một lúc nào đó, Tổng công ty sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế trong tương lai. Trong xu thế hội nhập sắp tới, kể cả khi Việt Nam gia nhập WTO, Tổng công ty giấy sẽ có đủ tự tin và bản lĩnh để đương đầu trong cuộc cạnh tranh mới.

Đến năm 2010, viễn cảnh một khu công nghiệp giấy Bãi bằng hiện đại và bền vững, có năng lực sản xuất từ 140.000 – 150.000 tấn giấy các loại, 320.000 tấn bột đủ cung cấp cho các nhà máy giấy cả nước và một phần cho xuất khẩu sẽ là hiện thực – Đó là điều ấp ủ của không chỉ ông Tổng giám đốc Tổng công ty mà là hy vọng của ngành giấy trong nước. Bởi họ nhìn tới tương lai bằng tầm vóc và sức lực của hiện thực hôm nay.