Lý do giáo dục Nhật Bản là hình mẫu của thế giới  
Cập nhật: 21/08/2017
Lượt xem: 3010

Chính phủ Nhật Bản đảm bảo những khu vực thu nhập thấp cũng có giáo viên giỏi, không có chênh lệch lớn về giáo dục khắp cả nước. 

Bài viết của tác giả Alana Semuels đăng trên The Atlantic ngày 2/8, chia sẻ góc nhìn về bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản. 

Ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, nền tảng kinh tế của mỗi học sinh quyết định chất lượng giáo dục nhận được. Học sinh nhà giàu tham dự các trường được cấp vốn lớn với mức thuế nhà đất cao, với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hàng đầu. Ở những khu vực nghèo hơn, học sinh thường có thiết bị học tập chất lượng kém, sách giáo khoa lỗi thời và đội ngũ tư vấn ít ỏi. 

Điều này không xảy ra ở Nhật Bản. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - nhóm gồm 35 quốc gia thịnh vượng, Nhật Bản xếp hạng cao về cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng cho học sinh. OECD ước tính chỉ có 9% chênh lệch trong thành tích học tập của học sinh Nhật Bản được giải thích bởi bối cảnh kinh tế xã hội. Mức trung bình của OECD là 14% và tại Mỹ con số này là 17%. "Ở Nhật, bạn có thể có những khu vực nghèo, nhưng không có trường học tồi", John Mock, nhà nhân chủng học tại Đại học Temple Nhật Bản (TUJ) nói. 

Kết quả, ít học sinh ở xứ sở mặt trời mọc phải vật lộn với việc học hay bỏ ngang. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học là 96,7%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của OECD. Ở Mỹ, chỉ có 83% học sinh hoàn thành bậc trung học. Thêm vào đó, trẻ em nghèo ở Nhật Bản có xu hướng phát triển tốt hơn khi trưởng thành, so với những nước như Mỹ và Anh (dù các nước Bắc Âu dẫn đầu về tiêu chí này). 

Andreas Schleicher, người giám sát công việc của OECD về giáo dục và phát triển kỹ năng nhận xét: "Đó là một trong những hệ thống giáo dục hiếm hoi mang lại kết quả tốt cho hầu hết học sinh. Những bất lợi được xem là trách nhiệm của tập thể".

ly-do-giao-duc-nhat-ban-la-hinh-mau-cua-the-gioi

Một học sinh chơi đùa tại trường học ở Koriyama, Nhật Bản. 

Chẳng hạn, ở làng Iitate, nơi người dân buộc phải sơ tán do hàm lượng phóng xạ tích tụ cao sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào tháng 3 năm 2011, nhiều gia đình vẫn chưa quay trở lại. Những đống đất bị che phủ vì nhiễm xạ, những ngôi nhà bị đóng cửa. Trường tiểu học địa phương chỉ có 51 học sinh, giảm mạnh so với tổng số hơn 200 trước thảm họa. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục dành cho những người trở lại là cao nhất.

Chính phủ đã xây dựng ngôi trường mới bên ngoài khu vực nhiễm xạ, ở thị trấn Kawamata. Dù các lớp học có quy mô rất nhỏ, trường vẫn sở hữu nhân viên chất lượng tốt. Trong một lớp học tác giả bài viết đến thăm, cả năm học sinh lớp 2 ở trường chăm chú xem một giáo viên cắm hoa trong khi ba giáo viên khác đứng xung quanh, giúp các em thực hiện từng bước một.

Ở một lớp khác, giáo viên toán đang hỏi học sinh về số lẻ và số chẵn. Khi các em được chia thành nhóm để thảo luận vấn đề ghi trên bảng, một giáo viên khác đóng vai trò giúp đỡ. Đi bộ quanh trường, khách có thể nhận ra số lượng giáo viên gần như nhiều xấp xỉ học sinh.

"Chất lượng giáo dục tốt hơn trước ngày 11/3/2011", Tomohiro Kawai, phụ huynh của một học sinh lớp 6 và đồng thời là chủ tịch hội cha mẹ học sinh ở trường đánh giá. Nhiều trẻ em trở lại khu vực này xuất thân từ gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Một số quyết định quay về Iitate vì cần nhờ bố mẹ trông nom lũ trẻ.

Chính phủ Nhật Bản cố gắng ngăn những bất lợi kinh tế ảnh hưởng xấu đến chất lượng học tập, bằng cách cung cấp bữa trưa miễn phí, đồng phục, sách vở, bút chì và quần áo thể dục cho toàn bộ học sinh trong trường. 
Chi tiền cho giáo dục một cách khôn ngoan


Ở Nhật Bản, giáo viên không được thuê bởi các trường riêng lẻ mà bởi các quận. Sự phân công trong quận thay đổi ba năm một lần hoặc trong thời gian đầu của sự nghiệp, sau đó ít thường xuyên hơn. Điều này có nghĩa là chính quyền quận đảm bảo những giáo viên giỏi nhất được phân công dạy cho học sinh ở các trường cần họ nhất. Đồng thời, giáo viên có cơ hội học hỏi trong những môi trường khác nhau, người trẻ tiếp xúc với đội ngũ già dặn hơn và tiếp thu phương pháp giảng dạy hữu ích.

Sự bình đẳng trong giáo dục ở Nhật Bản cũng xuất phát từ vấn đề phân bổ ngân sách. Lương giáo viên được trả từ cả chính phủ quốc gia và chính quyền tỉnh, do đó không chênh lệch nhiều dựa vào thu nhập bình quân hộ gia đình trong khu vực hay giá trị tài sản.

Hơn nữa, Nhật Bản tiêu tốn vào giáo dục ít hơn nhiều nước phát triển khác, chỉ 3,3% GDP so với mức trung bình 4,9% của OECD. Mỗi học sinh ở cấp tiểu học được chi 8.748 USD, ít hơn mức 10.959 của Mỹ.

Chìa khóa thành công của Nhật Bản là chi tiền một cách khôn ngoan. Các tòa nhà trong trường học không có vẻ ngoài hào nhoáng. Sách giáo khoa đơn giản, được in bằng bìa mềm. Học sinh và giáo viên có trách nhiệm vệ sinh trường lớp. Nhật Bản cũng có ít quản trị viên trong trường, thường chỉ có hiệu trưởng và vài hiệu phó, đội ngũ hành chính ít cồng kềnh.

Mặc dù khoản chi cho giáo dục tương đối thấp, giáo viên Nhật Bản được trả lương cao hơn mức trung bình OECD. Ngành sư phạm cũng không hề dễ bước chân vào. Giống như việc luật sư ở Mỹ phải trải qua kỳ sát hạch nghiêm ngặt, kỳ thi để trở thành giáo viên ở Nhật do các quận quản lý thường rất khó khăn. Oowada ở quận Fukushima phải thi năm lần mới đỗ kỳ sát hạch để trở thành giáo viên. Hiện cô là giáo viên biên chế, được đảm bảo trợ cấp lương hưu và làm việc ở quận cho đến tuổi 60. 

Oowada cho biết vào năm cô thi đỗ, 200 người tham dự kỳ thi nhưng chỉ năm người vượt qua. Đồng nghiệp của cô, Yuka Iinum, vẫn chưa đỗ kỳ thi này và hiện làm việc với chế độ hợp đồng một năm, di chuyển từ trường này sang trường khác mỗi năm. Nhiều người muốn trở thành giáo viên cuối cùng phải bỏ cuộc khi không thể thi đỗ. Và thậm chí sau khi được cấp chứng nhận đầy đủ, các giáo viên có động lực thể hiện tốt hơn nữa trong công việc, bởi họ được xem xét thăng tiến ba năm một lần.

Trường học Nhật Bản không cần lao công.

Trách nhiệm của giáo viên

Vì cảm thấy có trách nhiệm với mọi học sinh trong lớp, các giáo viên thường dành nhiều thời gian ngoài giờ để giúp đỡ các em học kém. Hiệu trưởng Yoshikawa của trường tiểu học ở Iitate cho biết một giáo viên trong trường phải đạp xe 12 dặm mỗi ngày từ khu vực sơ tán đến Kawamata, vượt qua một ngọn đồi khá cao. Một giáo viên khác ở Tokyo xem việc đi làm từ 7h sáng đến 7h30 tối là bình thường, bởi một số đồng nghiệp còn ở lại đến 9h tối.

Tuy vậy, giáo viên Nhật được trao quyền tự chủ trong việc tìm cách cải thiện kết quả của học sinh. Trong quá trình nghiên cứu bài giảng, giáo viên thiết kế một bài học mới trong khoảng thời gian nhất định, sau đó trình bày cho giáo viên khác và nhận phản hồi. Các giáo viên cùng tham gia xác định các vấn đề lớn ở trường, chia nhóm để giải quyết, đôi khi viết báo cáo hoặc xuất bản sách về vấn đề đó. Khái niệm làm việc theo nhóm phổ biến hơn việc một giáo viên trở nên nổi bật. 

Akihiko Takahashi, giáo sư Đại học DePaul (Mỹ), trước đây dạy học ở Nhật Bản đánh giá các giáo viên xứ phù tang tập trung vào giải quyết vấn đề, tức khả năng xử lý những việc chưa từng gặp phải. Với các môn học như toán, giáo viên Nhật không khuyến khích ghi nhớ mà giúp các em phát triển tư duy phản biện.

Trong lớp học ở Kawamata, tương tác giữa học sinh và giáo viên rất tốt. Những câu hỏi được đặt ra ngày càng khó hơn. Ngay cả khi chuông reo, cuộc thảo luận vẫn tiếp tục, các học sinh chạy lên bảng và cố gắng giải yêu cầu bài toán. Nhờ được giáo viên kích thích phát triển kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, học sinh vẫn có thể đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào trung học phổ thông hoặc đại học dù không đủ điều kiện tham dự các trung tâm luyện thi (cram school).

Tất nhiên, có những lý do khác để giải thích cho việc giáo dục Nhật Bản công bằng hơn Mỹ hoặc các quốc gia khác. Dân số ở Nhật đồng đều, không có nạn phân biệt chủng tộc vốn tồn tại trong các trường học Mỹ. Nhật Bản không phân loại học sinh vào các trường năng khiếu, có nghĩa xếp các em có trình độ khác nhau cùng ở trong một lớp, với mong muốn những em học tốt sẽ giúp đỡ những em yếu hơn. 

Mặt trái

Theo một điều tra gần đây của chính phủ Nhật Bản, 20% trẻ em ở Tokyo sống trong nghèo đói. Yumiko Watanabe, người sáng lập Kid's Door, tổ chức ở Tokyo cung cấp các chương trình dạy kèm sau giờ học cho trẻ em từ các gia đình có thu nhập thấp cho biết, một số em buộc phải bỏ học vì không thể nộp phí đi thực địa hoặc mua đồng phục. 

Shinobu Miwa có con trai 16 tuổi tham gia chương trình tại Kid’s Door buồn bã khi không đủ điều kiện cho con luyện thi ở các trung tâm. Bà lo con sẽ gặp nhiều bất lợi so với bạn bè đồng trang lứa. Gia cảnh không tốt cũng sẽ khiến em gặp nhiều khó khăn hơn nếu quyết định vào đại học, bởi các trường đại học ở Nhật rất đắt đỏ và có ít học bổng dành cho sinh viên nghèo so với Mỹ.

Trường học cũng có thể là nơi cực kỳ căng thẳng đối với học sinh Nhật Bản, bởi các em có thể bị bắt nạt nếu "đội sổ". "Chừng nào em còn học tốt, mọi thứ vẫn ổn. Nhưng một khi em bắt đầu đi chệch chỉ một chút thôi, bố mẹ và thầy cô sẽ nghiêm khắc một cách cực đoan", một học sinh chia sẻ với Anne Allison, nhà nhân chủng học văn hóa tại Đại học Duke (Mỹ).

Sau khi tan lớp, học sinh Nhật Bản sẽ tham dự các câu lạc bộ nhảy hoặc thể thao, có thể ở lại trường đến 6h chiều. "Khi trở về, trời đã tối và tất cả những gì các em phải làm là ăn tối, tắm, làm bài tập về nhà và ngủ", một giáo viên ở Tokyo cho biết.

Bất chấp những khiếm khuyết này, hệ thống giáo dục Nhật Bản vẫn là hình mẫu để các quốc gia noi theo, với mục tiêu giảm thiểu khoảng cách giữa học sinh giỏi và học sinh kém. Thành công của mọi học sinh là ưu tiên hàng đầu của quốc gia này về giáo dục.