HỌC NGHỀ - CON ĐƯỜNG KHÁC ĐI TỚI THÀNH CÔNG
Theo một số khảo sát mới đây hiện nay khoảng gần 70% người lao động Việt Nam có tay nghề thấp hoặc không có tay nghề tỷ lệ này cao hơn so với một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, thậm chí cao hơn cả Lào. Vậy làm thế nào để thay đổi thực trạng đó?
Trước hết cần phải xác định vào đại học không phải là con đường duy nhất tiến đến thành công, nhất là trong tình trạng “Thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. Thực tế đã chứng minh, có nhiều sinh viên Đại học, bao gồm cả sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học danh tiếng, gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Hiện nay chọn đại học hay học nghề đang là vấn đề được nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh quan tâm. Thực tế, nhiều bạn trẻ không lựa chọn học nghề để theo đuổi bằng được “cánh cửa” đại học và chỉ chọn học cao đẳng, trung cấp khi không còn sự lựa chọn nào khác. Quan niệm “trọng thầy hơn thợ” của các bậc phụ huynh và học sinh đã gây trở ngại lớn trong việc thu hút thí sinh dự tuyển vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong khi đó, có một thực tế vẫn thường xuyên được nhắc đến là số sinh viên các trường đại học, thậm chí Thạc sĩ thất nghiệp khá lớn. Còn các học sinh, sinh viên trường nghề, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật vẫn có vô số cơ hội tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về tài chính.
Trong vài năm gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi tư duy của học sinh và phụ huynh đối với việc lựa chọn vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên sự thay đổi còn chậm, còn cứng nhắc, nhiều học sinh và phụ huynh vẫn luôn cho rằng học nghề là lựa chọn cuối cùng vì vậy có tư tưởng qua loa, đại khái khi lựa chọn nghề để theo học. Để việc học nghề thực sự mang lại hiệu quả thì việc lựa chọn nghề phải phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không thi đỗ THPT hoặc đỗ đại học.
Tại một số quốc gia có nền giáo dục và kinh tế phát triển như Đức và Nhật Bản, rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp, giáo sư đại học luôn tự hào vì đi lên từ học nghề. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhiều trường Cao đẳng, Trung cấp không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào (tuyển sinh) thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ. Doanh nghiệp rất dễ tuyển người tốt nghiệp đại học, nhưng lại gặp khó trong tuyển người có kỹ năng nghề nghiệp.
Trong những năm gần đây hàng năm vẫn còn nhiều học sinh cấp 2 không vào cấp 3 và học sinh tốt nghiệp cấp 3 không thi đại học hoặc trượt đại học nhưng vẫn không chọn học nghề. Trong số này có rất nhiều em sẽ đi làm công nhân thời vụ hoặc lựa chọn những công việc lao động phổ thông. Đây chính là sự lãng phí của xã hội. Nếu như các em rẽ sang học nghề thì trong các công việc sau này, các em sẽ không dễ bị sa thải, hoặc nếu bị sa thải thì cũng dễ dàng chuyển đổi sang công việc khác. Vì vậy, học tập để có nghề nghiệp ổn định là rất cần thiết.
Chọn học nghề, nhưng học ngành nào để ra trường không bị thất nghiệp luôn là mối quan tâm lớn đối với học sinh và các bậc phụ huynh. Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao như: Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, …
Bên cạnh đó lựa chọn học ở đâu cũng là một vấn đề cần phụ huynh và học sinh cân nhắc kỹ lưỡng để sau khi tham gia học tập trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp người học và gia đình đạt được đầy đủ mục tiêu đặt ra từ khi quyết định lựa chọn.
Chọn học đại học hay học nghề là một trong những quyết định trọng đại trong cuộc đời, phải được cân nhắc thật kĩ dựa vào khả năng, sở thích và hoàn cảnh mỗi người. Hãy cân nhắc để chắc chắn rằng, các bạn chọn ngành nghề học đại học đúng với sở thích và tương ứng với khả năng của bản thân. Còn không, đừng ngần ngại, hãy chọn học trường nghề!
Ông cha ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hoặc “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” hàm ý nói đến tầm quan trọng của việc làm nghề, học nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy có thể khẳng định rằng: Đại học không phải là ngưỡng cửa duy nhất để đi tới thành công. Chọn học nghề mình yêu thích để lập thân, lập nghiệp là sự lựa chọn sáng suốt, bởi có nghề… là có tương lai!
Hãy lựa chọn một nghề để nắm chắc tương lai, vận mệnh của chính mình. Click để đăng ký học nghề.